ĐỪNG SỢ CƠN GIẬN DỮ CỦA CHÍNH MÌNH
Giận dữ lâu nay được coi là một cảm xúc tiêu cực vì trong lúc
giận dữ ta có thể gây ra những hành vi làm tổn hại đến bản thân hoặc làm rạn nứt
những mối quan hệ xung quanh. Vì thế ta luôn tìm cách né tránh sự giận dữ của
mình hoặc tìm cách đè nén chúng xuống để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi cảm xúc tự nhiên khác của con
người, giận dữ không phải hoàn toàn tiêu cực, thậm chí trong nhiều trường hợp
cơn giận dữ lại có thể đóng góp một vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo
vệ bản thân và những người thân yêu quanh ta.
Giả sử lúc ta đối mặt hoặc chứng kiến một hành vi bạo ngược
đe doạ đến ta hoặc người thân, ta sẽ thấy cơn giận bùng lên, máu bốc lên khiến
mặt ta bừng bừng, mắt ta sáng lên, chân tay ta tràn đầy sức mạnh và trở nên
nhanh nhẹn hơn bội phần để sẵn sàng chống lại hoặc chạy trốn khỏi hành vi bạo
ngược đó. Đây là một phản ứng tự nhiên của Hệ thần kinh giao cảm và giận dữ lúc
này đóng vai trò như một người phất cờ báo hiệu cho cơ thể kích hoạt những phản
ứng kể trên, nhờ vậy mà ta có thể bảo vệ được bản thân mình và người thân yêu.
Nói vậy để thấy, dù nhiều khi những cơn giận dữ mất kiểm soát
cũng có thể kiến ta gây ra những hậu quả tiêu cực, nhưng đó không phải là bản
chất cố định của con người chúng ta mà chúng đơn giản chỉ là một trạng thái tạm
thời của Thân và Tâm được nảy sinh thông qua quá trình tương tác giữa Thân và
Tâm ta với những sự kiện, hiện tượng bên ngoài cuộc sống. Vì thế, thay vì nhìn
nhận những cơn giận dữ như một lỗi lầm, hãy coi nó như lời nhắc nhở giúp ta
quay vào bên trong để thấu hiểu và chuyển hoá chính mình.
Kì thực, mỗi cảm xúc đều thuộc cơ chế tiến hoá của não bộ nhằm
bảo vệ ta tránh khỏi những hiểm nguy và vì vậy, đều mang giá trị sinh tồn của
riêng chúng. Nếu không hiểu được giá trị của mỗi cảm xúc mà chỉ chồng chéo những
cảm xúc khác lên, chúng ta sẽ tự đẩy mình vào vòng xoáy của sự bế tắc và vô vọng.
Để bắt đầu bóc tách những lớp cảm xúc thứ cấp còn đang bọc lấy
cảm xúc sơ khai ấy, chúng ta cần học cách trở nên nhạy cảm và bàng quan hơn với
chúng: quan sát nhưng không để cuốn theo, cảm nhận nhưng không đưa phán xét.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới hiểu được thông điệp thực sự của
cảm xúc và bắt đầu chữa lành những tổn thương trong tâm khảm, từ đó, thấu hiểu
và vị từ bi hơn với chính mình.
-------------------------------------
NÓNG GIẬN LÀ BẢN NĂNG, TĨNH LẶNG LÀ BẢN LĨNH
Đọc để bớt một phần cố chấp, thêm một phần ung dung